Category Archives: Sự Kiện

Chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành nông nghiệp muốn chuyển đổi số hiệu quả, thành công thì phải có mũi đột phá giống như đề án 06 của Bộ Công an do trực tiếp bộ trưởng chỉ đạo.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang xem hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả - Ảnh: TRỊNH LY

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang xem hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả – Ảnh: TRỊNH LY

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ như vậy tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức chiều 14-5.

Làm thí điểm một xã, một huyện, một tỉnh

Theo ông Hùng, ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng lại là ngành thu thập được ít dữ liệu nhất hiện nay, vì vậy cũng khó quản lý nhất.

  • Doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi số để lớn nhanh
  • Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ‘chuyến tàu’ không thể lỡ

“Không có dữ liệu thì không có chuyển đổi số, không có dữ liệu thì cũng không có quản lý, còn có dữ liệu thì chuyển đổi số lại trở thành một việc dễ” – ông Hùng nói và gợi ý việc đầu tiên Bộ NN&PTNT cần làm để chuyển đổi số là xây dựng các cơ sở dữ liệu.

Qua 4 năm thực hiện chương trình chuyển đổi số, ông Hùng cũng gợi ý Bộ NN&PTNT nên tập trung vào làm thí điểm một xã, một huyện, một tỉnh. Làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm cho thuận tiện, dễ dùng, làm cho hiệu quả và làm trên nền tảng số rồi từ đó làm nhanh ra cả ngành nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, bởi chúng ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có đủ năng lực giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công.

Những ví dụ đột phá

Theo ông Hùng, Bộ NN&PTNT nên đưa ra các công thức thành công về chuyển đổi số cho các lĩnh vực, các cấp để có thể truyền thông và nhân rộng.

“Bộ Công an có công thức ‘đúng, đủ, sạch, sống’ khi làm cơ sở dữ liệu dân cư hay chuyển đổi số toàn dân là ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người’…” – ông Hùng dẫn chứng.

Ông Hùng cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Thủ tướng ra chỉ thị về mũi đột phá chuyển đổi số.

Theo ông Hùng, chuyển đổi số là toàn dân và toàn diện nhưng vẫn phải có mũi đột phá. Chuyển đổi sẽ không thành công nếu người đứng đầu các cấp không trực tiếp chỉ đạo ít nhất một dự án chuyển đổi số có tính nền tảng.

“Đề án 06 của Bộ Công an là một ví dụ thành công về mũi đột phá. Mũi đột phá này do bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Mũi đột phá này kéo theo chuyển đổi số của cả Bộ Công an, tác động tới chuyển đổi số của cả quốc gia…” – ông Hùng nói Bộ Thông tin và Truyền thông có thể hỗ trợ Bộ NN&PTNT hình thành đề án mũi đột phá này.

Đại tá Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng C06 (Bộ Công an), cho rằng ngành nông nghiệp phải xây dựng kế hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp để thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số, trong đó cần đảm bảo lộ trình xuyên suốt và đảm bảo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”.

Một số phương hướng 

“Nghiên cứu bổ sung thêm nội dung thúc đẩy trong triển khai Đề án 06 theo chức năng phạm vi của bộ về xây dựng sàn thương mại điện tử gắn sản phẩm nông nghiệp, hộ kinh doanh gia đình, đặc sản vùng miền. Trong đó, bộ cần xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm nông nghiệp, vùng sản xuất nông lâm nghiệp, nguồn gốc nông sản. Cơ sở dữ liệu về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giám sát tàu cá. Cơ sở dữ liệu về tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông nghiệp” – đại tá Tấn nói.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần đơn giản, dễ hiểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương nỗ lực của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi số, đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần vào những kỳ tích mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên Phó thủ tướng cũng nêu rõ hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu, tỉ lệ dịch vụ công toàn trình mới đạt 16%, tỉ lệ dữ liệu được thống kê và kết nối được chưa cao. Ngành nông nghiệp cũng còn thiếu hụt nhân lực chuyển đổi số. Hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

Do đó, Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với nông dân thì thủ tục hành chính càng phải đơn giản hơn.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung xây dựng, chuẩn hóa dữ liệu ngành sao cho chuẩn xác, đầy đủ, cập nhật kịp thời, đặc biệt phải dễ hiểu, dễ ứng dụng.

“Do lĩnh vực quản lý rộng, cơ sở dữ liệu lớn, bộ cần xác định thứ tự ưu tiên khi xây dựng các cơ sở dữ liệu và triển khai tới nơi, tới chốn. Nếu có cách làm đúng thì chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ về đích sớm” – Phó thủ tướng nói

Huyện Krông Pắc tổ chức Lễ hội sầu riêng lần thứ II

ĐĂK LĂK Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II với 12 hoạt động chính nhằm tôn vinh người trồng sầu riêng và những giá trị kinh tế trái cây này mang lại.

Ngày 18/7, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) tổ chức họp báo Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc – Phát triển và hội nhập”. Lễ hội được tổ chức từ ngày 31/8 đến hết ngày 2/9.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc phát biểu tại họp báo. Ảnh: Quang Yên.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc phát biểu tại họp báo. Ảnh: Quang Yên.

Lễ hội lần này được đánh giá có quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động mới đặc sắc hơn với 12 hoạt động chính

  • Hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương
  • Ngày hội văn hóa – ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng)
  • Trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ
  • Lễ khai mạc; Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững
  • Giải chạy việt dã vì sức khỏe cộng đồng
  • Đêm hội DJ và vũ hội ánh sáng giao lưu nghệ thuật giữa các câu lạc bộ đội, nhóm nghệ thuật
  • Lễ chào cờ, đồng diễn áo dài và trang phục các dân tộc
  • Lễ bế mạc; dự kiến chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật.

Ý nghĩa gửi gắm đến với mọi người

Thông qua Lễ hội sầu riêng, UBND huyện Krông Pắc mong muốn truyền thông, quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Địa phương muốn tôn vinh những giá trị kinh tế các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao, những sản phẩm đặc sản tiềm năng, thế mạnh của huyện,

đặc biệt là sầu riêng Krông Pắc; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, người sản xuất, nhà doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng.

Niên vụ 2024, huyện Krông Pắc dự kiến thu trên 92.000 tấn sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Niên vụ 2024, huyện Krông Pắc dự kiến thu trên 92.000 tấn sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Đòng thời, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc về kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào huyện Krông Pắc trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển của cả nước.

Chia sẻ của chính quyền và người dân

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, địa phương hiện có khoảng 8.000ha sầu riêng, chiếm 1/3 diện tích sầu riêng của toàn tỉnh Đắk Lắk. Niên vụ này, huyện Krông Pắc dự kiến tổng sản lượng đạt trên 92.000 tấn.

Theo bà Trinh, sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ II có quy mô lớn hơn, được tổ chức bài bản hơn, nhiều hoạt động ý nghĩa hơn sẽ tiếp tục tôn vinh người trồng sầu riêng và những giá trị kinh tế từ trái cây này mang lại.

“Đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện Krông Pắc về kinh tế gắn với phát triển văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững; thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào huyện Krông Pắc…”, bà Trinh chia sẻ.